Cụm bản phát triển Thông Kà Lổng có 12 bản nhỏ, nằm lọt giữa cao nguyên Boloven hùng vĩ, được quy hoạch, đầu tư, xây dựng khá khang trang, đồng bộ. Khi mới thành lập, cụm bản chỉ có gần 200 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu, nhưng sau một thời gian ngắn, hàng trăm hộ dân từ Bắc Lào và các vùng lân cận chuyển về đây sinh sống, làm ăn nên dân số tăng lên đáng kể. Được bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 206, Quân khu 5 phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ cấp đất, làm nhà; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; trao tặng con giống... đến nay, nhiều gia đình đã có của ăn, của để.
Theo già làng Thạ Ma Nu Văn, trước đây, đồng bào Lào Vên, La Hớn, Là Ven, Là Vy, Tà ôi, Ơ Đu... sống du canh, du cư trong các khe núi, sườn đồi trũng thấp, bên sườn Tây của dãy Trường Sơn. Không có điện, đường, trường, trạm, giao thông đi lại khó khăn nên số trẻ biết chữ trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mê tín dị đoan vô cùng nhức nhối.
Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, bệnh tật, bà con lại mách nhau đi mời thầy mo, thầy cúng về bắt ma, trừ tà, khiến nhiều người chết trẻ, chết oan. Bị kẻ xấu rủ rê, xúi giục, một số hộ dân còn lén lút trồng cây thuốc phiện, đem xuống miền xuôi tiêu thụ, khiến tình hình an ninh, chính trị trở nên phức tạp. “Từ ngày chuyển về Cụm bản, đời sống bà con có rất nhiều đổi khác. Mừng nhất là chuyện lũ trẻ được cắp sách đến trường, được tiếp cận với internet, học lấy những điều tốt đẹp để sau này giúp ích cho đời”, già làng Thạ Ma Nu Văn hào hứng.
Mở tấm bản đồ quy hoạch chi tiết Cụm bản phát triển Thông Kà Lổng, Thượng tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cụm bản số 2, Đoàn KT-QP 206 cho biết: “Sau 16 năm gắn bó với Cụm bản, bộ đội Việt Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, hoàn thiện hệ thống doanh trại, bệnh xá, nhà văn hóa, công trình thủy điện, cấp nước, tưới tiêu, trường học (từ mẫu giáo đến THPT); làm mới, cải tạo, nâng cấp gần 30km đường giao thông, 42 chiếc cầu bê tông cốt thép... giúp người dân đi lại, giao thương, buôn bán dễ dàng, thuận tiện hơn".
Thực hiện phương châm “3 bám”, “4 cùng”, các đội công tác của ta và bạn tích cực bám địa bàn, bám cán bộ, già làng, trưởng bản, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo. Từ sự giới thiệu của Đoàn KT-QP 206, nhiều công ty, doanh nghiệp của Việt Nam và Lào tìm về cụm bản để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông liên bản phẳng lỳ, tấp nập người, xe qua lại, ông Văn Kẹo, Bí thư kiêm Trưởng bản Nặm Công không giấu được niềm vui: “Từ những mái trường do bộ đội Việt Nam xây dựng, tình trạng mù chữ, tái mù chữ ở Thông Kà Lổng không còn nữa. Vừa qua, con gái của đồng chí Bí thư, Đội phó Đội Công tác xây dựng Cụm bản (Bộ CHQS tỉnh Champasak) đã xuất sắc trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (Việt Nam). Hiện nay, mỗi tháng, nữ sinh này được Đoàn KT-QP 206 hỗ trợ 1 triệu kíp để có thêm điều kiện học tập. Với chúng tôi, bộ đội Việt Nam chẳng khác nào người thân ruột thịt”.
Bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, những việc làm thiết thực, hiệu quả và trách nhiệm của bộ đội Đoàn KT-QP 206 đã góp phần tô thắm, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc anh em Việt-Lào.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/doi-thay-o-thong-ka-long-716939
Ngày đăng: 18/01/2023